top of page

Biosilico Nano Silica: Sản phẩm KHCN tiêu biểu tại Tp. Hồ Chí Minh


Đây đều là các sản phẩm nằm trong định hướng phát triển 4 lĩnh vực trọng yếu mà nhà nước chọn để phát triển KH&CN, TP.HCM cũng đã đi theo chiều hướng đó nhưng cụ thể hơn như:


Với lĩnh vực CNTT: TP.HCM đã chọn vi mạch;

Với lĩnh vực Công nghệ sinh học: TP.HCM hướng vào cái cụ thể như ứng dụng tế bào gốc trong điều trị cũng như phát triển các công nghệ liên quan như tái tổ hợp tế bào, để tạo ra những loại dược phẩm, theo hướng công nghệ sinh dược thay vì hóa dược, đem lại giá trị gia tăng cao bằng công nghệ tiên tiến hơn.

Với lĩnh vực công nghệ vật liệu: TP.HCM tập trung vào công nghệ nano, tạo ra những vật liệu hướng phục vụ công nghiệp và đời sống.

Với lĩnh vực Tự động hóa: TP.HCM tập trung vào việc tự động hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và IoT.


Với 4 lĩnh vực trọng yếu trên, TP.HCM đã có những thành tựu, sản phẩm cụ thể mà các nhà khoa học, doanh nghiệp làm chủ được cụ thể:

Với lĩnh vực thứ nhất, chúng ta (ICDREC) đã làm chủ được công nghệ thiết kế vi mạch. Hay nói đúng hơn, chúng ta đã làm chủ một số Core IP. Chúng ta đã thương mại hóa được những con chip 8-bit, 16-bit và 32-bit này với các ứng dụng khác nhau. Tất nhiên ở giai đoạn đầu khi chưa có nhà máy, ICDREC phải đặt hàng sản xuất từ nước ngoài (Đài Loan; Singapore). Hiện ICDREC phát triển hơi chậm lại, nhưng Thành phố cũng đang xem xét phát triển Design House. Ở đó sẽ tập trung những phần mềm chuyên dụng, hỗ trợ việc đào tạo cũng như thiết kế các loại chip cho công nghiệp.

Vi mạch Chip SG8V1 được sử dụng trong thiết bị in hóa đơn xăng.

Bên cạnh đó, thành tựu có rõ rệt hơn trong Chương trình phát triển Vi mạch của Thành phố đó chính là thành tựu trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo linh kiện MEMS (Hệ thống vi cơ điện tử). Thực chất ở đây có 2 sản phẩm tiêu biểu, thứ nhất là những cảm biến (sensors) và thứ 2 là actuators (cơ cấu tác động) ở kích thước micro. Hiện nay phòng thí nghiệm của MEMs của Trung tâm Nghiên cứu - Triển khai (R&D) Khu Công nghệ cao (SHTP) đã làm chủ được công nghệ chế tạo một số loại sensor mà tiêu biểu là cảm biến áp suất.


Việc làm chủ được công nghệ này nhờ có sự hợp tác, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ từ các giáo sư, nhà khoa học đến từ Nhật Bản (Trường Đại học Tokyo, Viện KH&CN tiên tiến AIST-Tsukuba) và từ các nước Châu Âu như Hà Lan (Đại học Kỹ thuật TU Delf) và Tây Ban Nha (Đại học Barcelona).

Hiện nay đã có một số dự án sử dụng các cảm biến được nghiên cứu và chế tạo từ phòng thí nghiệm MEMS này được đưa vào ứng dụng như dự án giám sát trực tuyến độ sâu ngập của các tuyến đường để cảnh báo cho người tham gia giao thông.


Một số dự án khác mà nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị thực hiện đó là ứng dụng những cảm biến áp suất để theo dõi trạng thái đóng mở số tại những cửa cống, đập ngăn triều và theo dõi dữ liệu thủy văn. Tới đây, Trung tâm R&D sẽ triển khai những ứng dụng mở rộng hơn như chế tạo cảm biến áp suất cho máy đo huyết áp, hay những thiết bị ứng dụng trong công nghiệp khác thông qua chương trình hợp tác với các đối tác từ Đại học Quốc gia TP. HCM và từ Nhật Bản. Bên cạnh đó, dạng cảm biến như điện trở dây (strain gauge) và cảm biến đo độ pH cũng đang được nghiên cứu phát triển tại đây.

Bằng những công nghệ rất mới trong lĩnh vực sinh học dựa trên công nghệ tái tổ hợp tế bào (công nghệ gen) để tạo ra các kháng thể, Nanogen đã bào chế thành công những loại dược phẩm điều trị những bệnh rất là hiểm nghèo như ung thư hay viêm gan B, C, suy thận,… Con đường tạo ra dược phẩm này hoàn toàn thân thiện hơn và tân tiến hơn, khác hẳn phương pháp hóa dược truyền thống. Các sản phẩm của Nanogen đang cung cấp tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu đến 25 các nước Nam Á, Bắc Phi.

TS Hồ Nhân đang giới thiệu một số thuốc đặc trị từ công nghệ nanogen.


Bên cạnh đó, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị một số bệnh cũng đã có những kết quả khả quan. Trong đó, Thầy ThS. Phan Kim Ngọc là một trong những người rất tâm huyết để xúc tiến thành lập PTN Tế Bào Gốc thuộc ĐHQG TP. HCM và nối tiếp là PGS. TS. Phạm Văn Phúc đã phát triển. Nhiều chế phẩm sinh học đã được tạo ra để điều trị một số bệnh (thường quy thoái hoá khớp; điều trị tắc nghẽn phổi mạn tính và đái tháo đường type 1...) và đã được chuyển giao để ứng dụng cho bệnh nhân tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Đối với lĩnh vực thứ 3 - công nghệ vật liệu: TP.HCM đã phát triển và làm chủ được nhiều công nghệ Nano.

Trong lĩnh vực công nghệ và vật liệu nano cũng đã có một số sản phẩm tiêu biểu mà TP.HCM đã làm chủ được công nghệ như: Nano Silica do nhóm các nhà khoa học Việt (thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BSB tại TP.HCM ) hợp tác với Viện Hàn Lâm Khoa học liên bang Nga sản xuất thành công từ vỏ trấu, một nguyên liệu rất phổ biến ở ta.

Sản phẩm này có rất nhiều ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nông nghiệp, công nghiệp, y tế như: Cao su, sơn, bê tông, vỏ ô tô, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm, vật liệu xây dựng và vật liệu cách nhiệt, chống cháy. Cụ thể, vật liệu này pha vào sơn sẽ giúp các bề mặt trở nên đặc biệt như: chống/giảm trầy xước, cách nhiệt, chống cháy, chống đạn.

Nano Silica cũng có thể tạo ra Aerogel, một hợp chất để tạo ra các sản phẩm cách âm, cách nhiệt siêu nhẹ và được ứng dụng trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ. Sản phẩm này hiện đã được xuất khẩu đi thị trường Nhật, Malaysia.

Đại diện BSB đang giới thiệu sản phẩm Nano Silica với tên thương hiệu Biosilico với đối tác nước ngoài.

Ngoài ra, chính phòng thí nghiệm Nano thuộc Trung tâm R&D của SHTP cũng đã phát triển thành công nhiều loại vật liệu nano như Nano cellulose gắn với tế bào gốc (TBG) của Nhung hươu để sản xuất băng dán vết thương đã được Bộ Y tế cấp Giấy phép lưu hành, vật liệu Nano Lycopen (hấp thụ ánh sáng, bảo vệ tế bào, bảo vệ da khỏi tác động của tia từ ngoại, giúp trẻ hóa da, sạm da, lão hóa da…).

Hiện vật liệu nano này cũng đã được thương mại hóa thông qua việc hợp tác với doanh nghiệp chuyển giao công nghệ này để sản xuất và kinh doanh sản phẩm Bio Suncare, dạng viên uống chống nắng. Trung tâm này cũng đã nghiên cứu và sản xuất các vật liệu nano vàng, nano bạc, nano curcumin ứng dụng trong việc hỗ trợ điều trị da, diệt khuẩn, viêm da dày, giải độc gan, phòng ngừa bệnh tim mạch… Đến nay, các sản phẩm trên đã được Trung tâm R&D chuyển giao công nghệ cho các DN và thương mại hóa thành công.

Ở lĩnh vực tự động hóa. Hiện các nhà khoa học đã tiếp cận những thành tựu mới của khoa học công nghệ thế giới ví dụ như trí tuệ nhân tạo (AI) hay IoT để áp dụng thành các giải pháp ứng dụng như Nhà thông minh (Smart Home) được ứng dụng cho các hộ gia đình, khách sạn, chung cư cao cấp... Trong đó, sản phẩm Smart home do Startup ACIS phát triển được tích hợp công nghệ nhận dạng gương mặt để biết ai bấm chuông, hoặc đến giờ mở máy lạnh, mở đèn và quan trọng hơn sản phẩm này cho phép giám sát nhà từ xa và báo động khi bị đột nhập. Sản phẩm này cũng đã bán thương mại hoá được ở nhiều nơi.

Robot công nghiệp 6 bậc tự do mới phục vụ trong việc sản xuất công nghiệp đang được kỹ sư Kiệt nghiên cứu và phát triển, với sự tài trợ kinh phí từ Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Nói một cách công bằng TP chưa có các sản phẩm do các nhà khoa học tự sáng tạo có tính đột phá, mang tầm thế giới. Hiện chỉ có các sản phẩm được tạo ra từ sự học hỏi và cải tiến cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại thị trường Việt Nam, sao cho chi phí tiết kiệm hơn, đảm bảo độ linh hoạt theo nhu cầu sử dụng của tổ chức, doanh nghiệp. Chẳng hạn như một số loại robot 5, 6 bậc tự do, mà chính Sở KH&CN TP.HCM đã hỗ trợ thực hiện như robot tự do 5 bậc tự do phục vụ giảng dạy của kỹ sư Lê Anh Kiệt, dù đã thương mại hoá nhưng với con số tương đối khiêm tốn...

Nguồn: Báo Khampha.vn

Commentaires


bottom of page