top of page

Triển vọng sản xuất Silica và Nano Silica từ trấu ở Việt Nam



Ngày 28/4, tại Hà Nội đã diễn ra Chương trình hợp tác quốc tế “Giải pháp công nghệ toàn diện” và hội thảo "Nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng Silica và Nano Silica từ trấu do Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển BSB tổ chức với sự tham gia của Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga cùng sự tham dự của hơn 150 đại biểu là các nhà khoa học và doanh nghiệp trong và ngoài nước.


Tại hội thảo, PGS.TS ông Phạm Ngọc Minh, Phó Viện trưởng VAST cho biết: Là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về sản xuất và xuất khẩu gạo, hàng năm Việt Nam tạo ra từ 9-10 triệu tấn vỏ trấu, công nghệ mới Silica từ vỏ trấu với hiệu suất ngày càng cao vào giá thành hạ đã được ứng dụng trong nhiều ngành và nhiều lĩnh vực. VAST đánh giá cao BSB và GS Nguyễn Văn Hiệu và cho đây là mô hình doanh nghiệp - nhà khoa học có sự liên kết quốc tế được kỳ vọng sẽ đạt nhiều thành công.


Tại hội thảo, TS Nguyễn Việt Hùng - Chủ tịch, TGĐ BSB chia sẻ: Trong thành phần hóa học của vỏ trấu, SiO2 chiếm tới 9,5-10% khối lượng, nếu chiết xuất được chất này để làm nguyên liệu sản xuất ra Nano Silica, thì sẽ tận dụng được phế phẩm của ngành sản xuất lúa để tạo ra sản phẩm có giá trị cao và có tiềm năng ứng dụng lớn. Nếu sản xuất thành công, nó có ý nghĩa lớn về mặt xã hội và môi trường, góp phần gia tăng thu nhập cho người trồng lúa. Hiện tại chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng nhà máy sản xuất Silica và Nano Silica từ vỏ trấu trong năm 2017 nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển các ngành sản xuất trong nước cũng như tận dụng được nguồn phế thải sau sản xuất lúa gạo là vỏ trấu hiện đang bị thải bỏ, hoặc đốt vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường”.


Trong khi đó, tại hội thảo PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch KOVA Group chia sẻ: Tiềm năng sử dụng Silica và Nano Silica ở trong nước là rất lớn, đối với KOVA Group cách đây 10 năm chúng tôi đã ứng dụng và đưa nano Silica từ trấu vào sản xuất các dòng sản phẩm sơn của KOVA như: sơn chống cháy, sơn diệt khuẩn, sơn chống đạn… tất cả các dòng sơn này đều có ưu điểm vượt trội và chỉ số BOC trong sơn xấp xỉ bằng 0 trong khi ở các sản phẩm sơn không dùng công nghệ nano thì chỉ số này xấp xỉ từ 10-20. Đặc biệt sơn chống cháy với công nghệ nano silica từ trấu khi bị tác dụng của nhiệt độ không gây ra mùi nên không gây ngạt cho con người khi cháy và có thời gian cháy kéo dài đến 5h đồng hồ ở trong nhiệt độ 1.000 độ C đủ thời gian cơ quan phòng cháy chữa cháy đến”.


Tuy nhiên bà Hòe cũng cho biết, để Nano Silica từ trấu có thể đáp ứng cho ngành sản xuất công nghiệp sơn thì công nghệ đốt phải đảm bảo cho ra sản phẩm hình cầu hoặc vô định hình còn nếu là các hình khác như hình elip thì không thể sử dụng cho sản xuất sơn được mà chỉ có thể ứng dụng cho các ngành khác như: vật liệu xây dựng, thuốc bảo vệ thực vật, sắt thép, cao su, sơn thủy tinh, vật liệu chống cháy, y tế…


“Với mục tiêu tìm ra lợi ích từ việc ứng dụng Silica và Nano Silica từ trấu, hội thảo mong muốn kết nối giữa các nhà nghiên cứu khoa học với hoạt động thương mại hóa và sản xuất. Hội thảo đánh dấu bước đi đầu tiên cho việc triển khai Chương trình hợp tác quốc tế “Giải pháp công nghệ toàn diện” trong nỗ lực phát huy tối đa tính cộng hưởng của các nguồn lực đa phương cả trong và ngoài nước trong hoạt động: khoa học, thương mại, sản xuất, đầu tư và quản lý nhà nước, khai thác tối ưu nguồn tài nguyên quý giá là Silica và Nano Silica từ trấu, tạo đòn bẩy triển khai các ứng dụng đặc biệt phong phú của công nghệ nano trong các ngành dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, vật liệu, nông nghiệp, xây dựng, ngành lốp cao su, nhựa và kể cả ngành điện tử và năng lượng ... với qui mô công nghiệp tại Việt Nam”, ông Hùng cũng cho biết thêm.


Tại hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký biên bản thỏa thuận và hợp tác giữa các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và các nhà khoa học.

Comments


bottom of page